oC
menu_open
Tin tức - sự kiện trong tỉnh
Huế khẳng định vai trò đô thị văn hóa – thể thao giữa chặng đường chuyển mình mạnh mẽ
04/07/2025 4:44:49 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Sáu tháng đầu năm 2025 ghi dấu một giai đoạn sôi động và đầy khởi sắc đối với thành phố Huế – đô thị di sản trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam, cũng là nơi đang hiện thực hóa mô hình chính quyền đô thị hai cấp. Trong bước chuyển mới ấy, ngành Văn hóa và Thể thao thành phố Huế đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ động triển khai toàn diện các nhiệm vụ chuyên môn – chính trị, tạo nên những dấu ấn rõ nét trong hành trình khẳng định vị thế của Huế như một đô thị văn hóa – di sản, sáng tạo – thông minh và hội nhập quốc tế.

Từ việc bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và các bộ ngành Trung ương, Sở Văn hóa và Thể thao đã kịp thời ban hành hơn 80 văn bản chỉ đạo, điều hành, đồng thời chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án lớn trên các lĩnh vực: phát triển văn hóa đọc, tổ chức lễ hội – sự kiện, bảo tồn di sản, quảng bá hình ảnh văn hóa Huế, phát triển thể thao thành tích cao và phong trào, thúc đẩy công nghiệp văn hóa và chuyển đổi số… Tất cả các hoạt động đều gắn với việc lan tỏa bản sắc, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phục vụ trực tiếp người dân và cộng đồng.

Một điểm sáng trong 6 tháng đầu năm là việc triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đối tượng hoạt động văn hóa theo Nghị quyết số 05/2025/NQ-HĐND của HĐND thành phố Huế. 54 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ, nghệ nhân và 3 tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước đã được xét duyệt, hỗ trợ kinh phí kịp thời. Đây không chỉ là sự ghi nhận đóng góp của đội ngũ sáng tạo văn hóa mà còn thể hiện sự tri ân của chính quyền đối với các giá trị văn hóa phi vật thể đang hiện hữu và lan tỏa trong đời sống Huế.


Trong lĩnh vực lễ hội và nghệ thuật biểu diễn, Huế tiếp tục khẳng định thương hiệu thành phố lễ hội đặc trưng với chuỗi sự kiện quy mô: Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Điện Huệ Nam, Ngày hội làng Dương Nỗ, chương trình “Mừng Đảng – Mừng Xuân”… Riêng Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đã tổ chức 63 suất diễn, phục vụ trên 35.000 lượt khán giả, phục dựng thành công 2 vở cổ và xây dựng 19 tiết mục mới – một nỗ lực lớn trong gìn giữ vốn cổ và sáng tạo nghệ thuật đương đại. Mảng trình chiếu phim lưu động cũng đạt kết quả tích cực với gần 300 buổi phục vụ vùng sâu, vùng xa – góp phần đưa ánh sáng văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân.


Trong công tác triển lãm và quảng bá văn hóa, Huế đã tạo nên điểm nhấn đáng chú ý tại các sự kiện lớn như EXPO 2025 tại Nhật Bản, Festival Nhiếp ảnh Quốc tế, Xúc tiến quảng bá văn hóa- du lịch tại châu Âu, cùng các triển lãm chuyên đề “Huế – Dấu ấn lịch sử”, “Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ”… Những hoạt động này không chỉ lan tỏa hình ảnh thành phố Huế sáng tạo và thân thiện mà còn góp phần khẳng định thương hiệu văn hóa của đô thị di sản trên trường quốc tế.

Lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa tiếp tục là trụ cột trong các hoạt động của ngành. Sáu tháng đầu năm ghi nhận 4 hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp thành phố được công nhận, cùng nhiều dự án tu bổ trọng điểm được thẩm định để trình các cấp có thẩm quyền như Đại Cung môn, Văn Miếu, Quốc Tử giám… Tiến hành giai đoạn 2 khai quật khảo cổ Tháp Đôi Liễu Cốc. Đặc biệt, Huế đang từng bước xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – một hành trình mang nhiều ý nghĩa về bản sắc và trách nhiệm với di sản dân tộc. Cùng với đó, hàng loạt hồ sơ khác liên quan đến lễ hội làng Sình, lễ hội mừng lúa mới của người Cơ Tu, nghề làm bún Huế, … cũng đang được hoàn thiện, thể hiện quyết tâm làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa địa phương.


Tuần lễ Áo dài cộng đồng- Festival mùa Hạ,  Huế năm 2025 được tổ chức quy mô, lan tỏa khắp địa bàn thành phố với 15 hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo người dân, nghệ nhân và du khách. Sự kiện này không chỉ khẳng định vai trò của áo dài trong đời sống văn hóa Huế mà còn đánh dấu bước ngoặt quan trọng với việc đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận “Huế – Kinh đô Áo dài”. Đây là bước đi chiến lược trong thực hiện Đề án xây dựng thương hiệu áo dài Huế – một nét riêng biệt, độc đáo của đô thị di sản.


Trên lĩnh vực thể dục thể thao, trong nửa đầu năm, thành phố Huế tổ chức hàng chục giải phong trào, đồng thời đạt được thành tích ấn tượng ở cấp quốc gia và quốc tế. Tổng cộng, các vận động viên Huế đã giành được 314 huy chương, bao gồm 106 huy chương vàng và 23 huy chương quốc tế. Đây là kết quả phản ánh chất lượng công tác huấn luyện, đầu tư có chiều sâu và tầm nhìn dài hạn của ngành thể thao Huế. Hiện nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao thành phố đang đào tạo gần 240 vận động viên trọng điểm, xây dựng lực lượng kế cận cho Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2026.


Song song với các hoạt động chuyên môn, ngành đã chủ động tiếp nhận chức năng quản lý báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông, đồng thời thực hiện tinh gọn bộ máy chỉ còn 6 phòng chuyên môn. Việc tái cấu trúc tổ chức được triển khai đúng tinh thần cải cách hành chính, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của chính quyền đô thị 2 cấp.
Hướng đến 6 tháng cuối năm 2025, ngành Văn hóa và Thể thao thành phố Huế đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá và chiến lược. Trước hết là tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên toàn ngành; hoàn thiện các đề án liên quan đến phát triển không gian mỹ thuật, quảng cáo ngoài trời, bảo tồn di sản, May & Mặc áo dài Huế và đào tạo bóng đá trẻ – những lĩnh vực gắn với chiến lược phát triển bền vững và bản sắc đô thị.


Một nhiệm vụ trọng yếu khác là đẩy mạnh gắn kết giữa văn hóa – di sản và du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, việc tiếp tục xây dựng để tiến tới hoàn tất hồ sơ trình UNESCO về Ca Huế và lập hồ sơ đề cử các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội vật làng Sình, bún bò Huế, làng nghề truyền thống… sẽ là trọng điểm xuyên suốt.


Lĩnh vực thể thao sẽ tiếp tục bứt phá với các sự kiện lớn như Giải vô địch Karate quốc gia, Đại hội TDTT cấp thành phố và đặc biệt là Festival thể thao cộng đồng - “Hue Sports Festival 2025” dự kiến tổ chức vào tháng 7 và tháng 8/2025 – hứa hẹn thu hút đông đảo vận động viên và người dân tham gia, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, năng động.
Tăng cường truyền thông văn hóa trên nền tảng số, quản lý hiệu quả báo chí – xuất bản, và triển khai chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực: thư viện, bảo tàng, di sản… sẽ là hướng đi trọng tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động và thích ứng với xu thế hiện đại.


Song hành với nhiệm vụ chuyên môn, Sở Văn hóa và Thể thao cũng sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ lớn, mang tính đột xuất theo chỉ đạo của UBND thành phố: tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước tại Hà Nội vào cuối tháng 8 – đầu tháng 9/2025; Tuần văn hóa – du lịch Huế tại TP. Hồ Chí Minh vào dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11; và chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Văn hóa – một dịp quan trọng để nhìn lại hành trình và khẳng định những giá trị bền vững của ngành trong công cuộc phát triển đô thị.
Về kiến nghị – đề xuất, ngành đề xuất các cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các công trình văn hóa – thể thao trọng điểm; phát triển quỹ đất dành cho không gian văn hóa công cộng và bảo tàng chuyên đề; hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo tồn, lập hồ sơ di sản và hoạt động truyền thông – chuyển đổi số; đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất thể thao, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Huấn luyện Thể thao trong đào tạo, thi đấu.
Với quyết tâm cao và phương hướng rõ ràng, ngành Văn hóa và Thể thao thành phố Huế đang nỗ lực từng bước để khẳng định vai trò dẫn dắt trong phát triển văn hóa – thể thao gắn với đổi mới sáng tạo, bảo tồn di sản và hội nhập quốc tế. Đây sẽ là những nền tảng vững chắc để đưa Huế trở thành đô thị văn hóa – di sản hàng đầu khu vực, phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập./.

svhtt.hue.gov.vn